Người Dao đỏ có dân số đứng thứ hai sau người Mông tại. Họ cũng có nguồn gốc từ Vân Nam – Trung Quốc, người Dao Đỏ là một bộ phận nhỏ của tộc người Dao di cư vào Việt Nam từ thế kỷ XIII đến những năm 40 của thế kỷ trước. Họ sống tập trung đông nhất ở các xã Tả Phìn, Nậm Cang, Thanh Kim, Suối Thầu, Trung Chải.
Theo các nhà nghiên cứu thì người Dao có quan hệ mật thiết với người H’mông. Trước đây hai nhóm này được cho là có cùng nguồn gốc nhưng mỗi nhóm có một đặc điểm riêng biệt. Trong khoảng thời gian thiên di từ Trung Hoa vào Việt Nam thì hai cộng đồng dân tộc này đã hình thành nên những đặc điểm khác nhau. Ngày nay đến Sa Pa thì bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong hình dáng, trang phục, cách sinh hoạt nhưng họ vẫn chung sống trong một cộng đồng.
Nếu người H’Mông thường chọn những nơi núi cao để sống thì người Dao lại chọn thung lũng hoặc lưng chừng núi để trỉa ngô, trồng lúa và thảo quả. Các lái buôn thường đến tận nhà thu mua mang bán sang Trung Quốc nên cuộc sống của họ được nâng cao. Nhiều nhà có những tiện nghi và phương tiện tốt như xe máy, tivi, thậm chí là cả ô tô, máy kéo dùng trong nông nghiệp.
Tộc người Dao có nhiều nhóm nhưng sinh sống ở Sa Pa chủ yếu là người Dao Đỏ bởi phụ nữ thường quấn khăn hay đội mũ đỏ, áo xanh đen có nhiều hoa văn đỏ và trắng ở cổ, vạt và tà áo. Trang phục của họ được xem là đẹp nhất ở mỗi phiên chợ Sa Pa. Người phụ nữ còn có tục cạo chân mày và một phần tóc phía trên trán cho đẹp. Họ cũng có chữ viết riêng dựa theo chữ cổ của Hán ngữ gọi là chữ Nôm – Dao nhưng loại chữ này nay chỉ người cao tuổi mới đọc hiểu và viết được.
Người Dao có tín ngưỡng rằng loài chó là tổ tiên của họ nên chó luôn luôn được quý trọng, người đàn ông thì chỉ được coi là trưởng thành khi đã chịu lễ cấp sắc. Ngoài ra họ cũng có nhiều tục lệ đặc biệt như là gia đình nào đang nấu rượu thì phải cắm lá trước cửa nhà, không cho người lạ vào vì đồng bào quan niệm rằng người lạ vào nhà rượu sẽ bị chua và khê, nên khi thấy có dấu hiệu cắm lá kiêng bạn không nên bước vào nhà. Trong gia đình có phụ nữ sinh nở cũng có dấu hiệu kiêng cắm lá trước cửa nhà, để không cho người lạ vào nhà, sợ đứa trẻ mới sinh khóc nhiều.
Họ cũng có tục kiêng sờ đầu trẻ em, khi cắt tóc, cạo đầu họ vẫn để chỏm tóc ở đỉnh đầu vì cho đó là nơi trú ngụ các hồn vía con người, quan niệm để chỏm tóc như vậy trẻ em sẽ không hay ốm đau. Họ cũng quan niệm là nam và nữ khi chưa kết hôn thì không được chụp ảnh cùng nhau vì như vậy là không tốt, có thể nói đó là một điều cấm kỵ đối với phụ nữ Dao. Người cầm máy ảnh nếu muốn chụp tốt nhất là nên xin phép họ trước.
Trong năm người Dao cũng có những lễ hội đặc sắc như là Tết nhảy tổ chức vào ngày mồng một và mồng hai tháng giêng, hội hát giao duyên vào ngày mồng mười tháng giêng ở bản Tả Phìn, một bản nhỏ của người Dao và người H’Mông cách thị trấn Sa Pa khoảng 12 km. Bản này nổi tiếng với các loại thổ cẩm đủ kiểu dáng và sắc màu do bàn tay khéo léo tài hoa của người phụ nữ H’Mông, Dao tạo nên và đặc biệt là bài thuốc tắm lá cây rừng của tổ tiên người Dao Đỏ còn truyền lại đến ngày nay rất tốt cho du khách đi đường xa mệt mỏi.